70 năm trước, nông nghiệp Hải Phòng lạc hậu, đói nghèo, đồng ruộng xơ xác. Mùa thu này, thật vui và tự hào khi đi trên những con đường trải nhựa phẳng lỳ giữa đồng ruộng thẳng cánh cò bay, qua những trang trại nhộn nhịp sức sống mới...
Hiện thực hóa “cánh đồng cổ tích”
Vùng trồng rau theo quy trình VietGAP ở xã An Thọ (An Lão) Ảnh: Phương Linh
Vùng trồng rau theo quy trình VietGAP ở xã An Thọ (An Lão)
Ảnh: Phương Linh
Trên cánh đồng “thẳng cánh cò bay” ở thôn Lộc Xá, xã nông thôn mới Đoàn Xá (Kiến Thụy), anh Tạ Văn Minh vui vẻ cho biết: “Những ngày còn chiến tranh, tôi cùng nhiều đồng đội hứa với nhau rằng, sau này đứa nào còn sống, trở về quê hương, phải tạo cho kỳ được cánh đồng cổ tích, hạt gạo biết tự chạy về nhà. Giờ đây, ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Nhờ thực hiện dồn điền đổi thửa giai đoạn 2, gia đình tôi có 1 mẫu ruộng liền vùng, liền thửa, không manh mún như trước đây. Khi cấy và thu hoạch lúa chỉ cần làm trong 30 phút là xong, vì đồng rộng có thể dễ dàng sử dụng máy cấy, máy gặt. Chẳng cần sức người gánh lúa, tuốt lúa, mà hạt vàng trĩu bông được đóng bao, theo máy gặt, máy tuốt về nhà”
Niềm vui của anh Minh cũng là niềm vui chung của nhiều nông dân Đoàn Xá- một trong những cái nôi ra đời “khoán sản phẩm” nổi danh một thời trong nông nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình dồn điền đổi thửa lần thứ 3, xã quy 4 vùng sản xuất lớn. Mỗi hộ dân Đoàn Xá chỉ còn 1-2 thửa ruộng; các thửa ruộng đều tiếp giáp công trình giao thông, thủy lợi, khiến người dân phấn khởi, yên tâm đầu tư, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hơn 360 ha lúa của xã nhờ liền vùng, liền thửa nên được gieo sạ bằng dàn kéo tay, máy gặt đập liên hoàn và máy làm đất, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức lao động.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Bùi Trọng Tuấn, hiện nhiều vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn thành phố không khí lao động sản xuất cũng sôi nổi như ở quê hương “khoán 10”. Trong 5 năm qua, ngành Nông nghiệp-PTNT đề nghị các địa phương tập trung chuyển mạnh từ phát triển năng suất sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thu nhập trên một đơn vị canh tác. Đặc biệt là chú ý quy vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Sau 5 năm kiên trì mục tiêu tạo vùng sản xuất hàng hóa, trên địa bàn thành phố có 330 vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 10-30 ha/vùng. Vùng sản xuất cây trồng tập trung, chuyên canh phát triển khá nhanh, bình quân tăng trên 1.300 ha/năm.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn thành phố sôi nổi thực hiện cuộc “cách mạng” mới: “dồn điền, đổi thửa”, chỉnh trang đồng ruộng để có nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. UBND thành phố hỗ trợ kinh phí 19 xã, thực hiện dồn đổi ruộng đất hơn 41 nghìn ha đất gieo cấy lúa. Cùng với dồn đổi ruộng đất, 19 xã này sẽ quy hoạch lại đồng ruộng, mở rộng đường giao thông nội đồng, quy vùng sản xuất tập trung diện tích lớn hơn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hải Phòng không còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” trên những mảnh ruộng bị chia lẻ, manh mún, phân tán. Tiếng mày cày, máy cấy sẽ rền vang trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay.
Tạo mô hình “khoán 10” mới
Sau nhiều năm xa quê, doanh nhân Bùi Minh Họa, người con của xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo) trở về quê hương xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Ông vận động bà con tích tụ ruộng đất, góp sức cùng địa phương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ. Ông Họa đã góp kinh phí, nhân lực và kêu gọi các doanh nghiệp, con em xa quê hỗ trợ địa phương 14 máy làm đất, 15 máy cấy, 5 máy cấy ngồi, 2 giàn gieo mạ tự động, 12 máy gặt đập liên hợp, 62.085 khay gieo mạ, 3 máy bơm thuốc bảo vệ thực vật và 2 kho lạnh bảo quản nông sản. Tổng kinh phí huy động đối ứng là 8 tỷ đồng mua máy và gần 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, khu gieo mạ khay, kho lạnh bảo quản. Đến nay, mô hình cơ giới hóa đồng bộ được triển khai trên toàn diện tích gieo cấy của xã, với 390 ha. Tổ dịch vụ cơ giới hóa của xã do ông Họa hỗ trợ xây dựng đã sản xuất mạ khay, cấy máy theo phương thức sản xuất hàng hóa, cung ứng, dịch vụ nông dân.
Cùng với mô hình của ông Họa, trên địa bàn thành phố hình thành các mô hình mới, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa có liên kết “4 nhà”, được đánh giá là mô hình phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, khẳng định sự không ngừng sáng tạo để tìm ra các mô hình mới, mang tính đột phá như “khoán 10” trước đây của thành phố. Chẳng hạn, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây lắp Bình Minh thuê quyền sử dụng 40 ha đất của gần 500 hộ dân với mức 60 kg thóc/ sào/ vụ để tổ chức sản xuất giống lúa, lúa chất lượng và rau màu có giá trị kinh tế cao, sử dụng người lao động là người cho thuê đất; mô hình thuê đất của nông dân sản xuất 6 vụ rau màu/năm của bà Đỗ Thị Duyên ở xã Quyết Tiến (Tiên Lãng); mô hình thuê đất của HTX nông nghiệp, giao khoán 5,6 ha cho 5 đội sản xuất để trồng rau an toàn quy trình VietGap của Công ty TNHH Quản Ích ở vùng rau An Thọ (An Lão)…
Tại những vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, nông dân mạnh dạn xây dựng các vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao, phục vụ đô thị, vùng công nghiệp, khu vực cảng biển. Điển hình là các làng trang trại sinh thái ở Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy; vùng trồng hoa, rau an toàn ven đô ở An Dương, Kiến Thụy, Dương Kinh.
Song hành việc quy vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng các trang trại, gia trại phục vụ đô thị, nông nghiệp Hải Phòng đang đón trước vận hội, thời cơ phát triển mới của thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Kim Oanh (Báo HP)