image banner
Năm 2023 đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện Kiến Thụy: Hướng tới sự phát triển bền vững
Lượt xem: 61
Là huyện thuần nông, những năm qua, Kiến Thụy có nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch chưa đồng bộ, nảy sinh một số  bất cập, gây lãng phí các nguồn lực. Trong bối cảnh thành phố đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Kiến Thụy cũng cần tìm hướng đi riêng, tạo đột phá để phát triển bền vững.

            Là huyện thuần nông, những năm qua, Kiến Thụy có nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch chưa đồng bộ, nảy sinh một số  bất cập, gây lãng phí các nguồn lực. Trong bối cảnh thành phố đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Kiến Thụy cũng cần tìm hướng đi riêng, tạo đột phá để phát triển bền vững.

Những tín hiệu khả quan

            Thời gian qua, kinh tế Kiến Thụy tăng trưởng liên tục với tốc độ khá. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

            Trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu hình thành 29 vùng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích hơn 2.000 ha, xây dựng 6 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 166,5 ha. Việc đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần khắc phục tình trạng thiếu lao động, giảm chi phí, tăng năng suất từ 10 - 15%, tạo thương hiệu một số mặt hàng nông sản chủ lực như lúa nếp Tân Trào, tôm rảo Kiến Quốc, rau, củ Tú Sơn… Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện duy trì tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm, chủ yếu là may mặc, giày dép, cơ khí, đồ gỗ… tạo việc làm, thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển tích cực trong vận tải hàng hóa, dịch vụ ăn uống. Hệ thống chợ nông thôn được đầu tư nâng cấp, thúc đẩy giao thương, tiêu thụ nông sản. Hàng năm, có hơn 50 nghìn lượt khách du lịch đến huyện. Đặc biệt, hơn 3 năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo làng quê. Đến hết năm 2014, huyện đạt gần 13 tiêu chí. Rõ nét nhất là kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, vệ sinh môi trường được quan tâm, coi trọng.

            Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện còn không ít khó khăn. Huyện chưa thực sự đạt được mục tiêu quan trọng là thoát khỏi tình trạng thuần nông. Nguồn tài nguyên đất đai chưa được khai thác hợp lý, môi trường có nguy cơ ô nhiễm. Do huyện chưa có khu, cụm sản xuất công nghiệp tập trung nên quá trình chuyển dịch cơ cấu còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, tốc độ chuyển dịch các ngành chậm, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, mạng lưới chợ được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao thiếu hụt so với các địa phương khác. Do vậy, việc khẩn trương tái cơ cấu nền kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng, cần thiết.

Xây dựng giải pháp phù hợp

            Trong điều kiện tình hình phát triển mới, huyện tập trung xây dựng một số giải pháp cụ thể cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện địa phương.



Cơ cấu kinh tế nông nghiệp huyện Kiến Thụy đang
 chuyển dịch theo hướng bền vững

            Trước hết là rà soát Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội giai đoạn 2010-2020, điều chỉnh quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2025, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch phát triển chung của thành phố. Việc điều chỉnh sẽ tạo điều kiện để huyện phát huy tiềm năng, thế mạnh, đồng thời kết nối với nhiều khu vực kinh tế trọng điểm, các tuyến giao thông huyết mạch như đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng…

            Về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, các loại cây con có giá trị kinh tế cao để xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa. Trong đó, duy trì, phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mô hình trang trại, gia trại lớn, tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân. Cải tạo hệ thống lưới điện phục vụ công nghiệp, sản xuất, sinh hoạt; nâng cấp mạng lưới thủy lợi, hạn chế tác động xấu do mưa bão, xâm mặn. Đặc biệt, thủy sản được coi là hướng mũi nhọn, cần đầu tư các phương tiện đánh bắt hiện đại, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, mở rộng quy mô vùng sản xuất thủy sản ven sông và ven biển để nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác.

            Về đầu tư phát triển công nghiệp, huyện áp dụng các biện pháp khuyến công, xây dựng cơ sở hạ tầng dựa trên quy hoạch, sớm hoàn thành các  dự án giao thông quan trọng như tuyến đường 362, 363, 361, một số hạ tầng kỹ thuật ven trục đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nâng cấp một số tuyến giao thông, bảo đảm  các loại xe chuyên dùng trọng tải lớn lưu thông. Đồng thời, phát triển các ngành dịch vụ cảng biển, kho vận khi dự án cảng Lạch Huyện quốc tế Tân Cảng Đình Vũ hoạt động, hình thành các tuyến giao thông kết nối khu, cụm công nghiệp và hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Huyện cũng đề xuất cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến nông sản, phục vụ nông nghiệp bằng công nghệ thân thiện với môi trường. Song song với tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch mang bản sắc địa phương, huyện xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa loại hình dịch vụ du lịch. Hình thành hệ thống thương mại như chợ đầu mối, chợ nông thôn, nhà hàng, khách sạn, tổ chức tốt hoạt động lễ hội, du lịch tâm linh, du khảo đồng quê tại các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên như sông Đa Độ, rừng ngập mặn…

            Thu ngân sách là mục tiêu quan trọng hiện nay của huyện. Giải pháp tăng thu trên địa bàn là đấu giá quyền sử dụng đất, sử dụng linh hoạt các nguồn vốn từ ngân sách, vốn vay và các chương trình mục tiêu gắn với xây dựng NTM. Do đó, huyện triển khai việc tái đầu tư công trên địa bàn, rà soát những dự án chưa thực sự cấp bách, dự án chậm tiến độ để ưu tiên đầu tư, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Đồng thời, xây dựng các quỹ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, khuyến khích mô hình quỹ tín dụng nhân dân, thu hút nguồn FDI. Về quản lý, sử dụng đất đai, huyện chủ trương hoàn thành lập bản đồ địa chính các xã, thị trấn, tạo mặt bằng “sạch” phục vụ các dự án; giải quyết dứt điểm kiến nghị, khiếu nại về đất đai; khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả.

            Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là vấn đề cấp bách, đòi hỏi huyện chú trọng đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tạo giải pháp khuyến học, khuyến tài gắn với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp. Mặt khác, huyện chú trọng khai thác thế mạnh về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hiện đại, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên bằng việc thay đổi mô hình tiêu dùng, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Huyện đầu tư hệ thống thu gom, xử lý rác thải tại các cụm xã như xây dựng các lò đốt rác, mở rộng diện tích rừng ngập mặn, quy hoạch, trồng mới cây xanh gắn với cây ăn quả lâu năm. Mục tiêu của tăng trưởng kinh tế là nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người dân, Trong đó, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu lâu dài với hoạt động chủ yếu là giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển giáo dục, nâng cao sức khỏe nhân dân…

            Huyện Kiến Thụy tập trung xây dựng cơ cấu với các ngành kinh tế chủ lực làm trọng tâm, phát triển đa dạng các loại hình theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, ổn định và bền vững;chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính ở các ngành, các cấp… là quan điểm đúng đắn. Với những nỗ lực nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, cơ cấu kinh tế của Kiến Thụy chắc chắn sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, góp phần thay đổi diệm mạo của huyện trong thời gian tới.

Phạm Văn Định

(Chánh Văn phòng UBND huyện Kiến Thụy)

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Tin mới